Cyoung Việt Nam là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc hơn 91 ha

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam đã được chấp thuận là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc rộng hơn 91 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng tại tỉnh Ninh Thuận.

Cyoung Việt Nam là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc hơn 91 ha

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có cuộc họp nghe báo cáo kế hoạch triển khai Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc.

Tại cuộc họp này, Sở Xây dựng được giao chủ trì xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp với UBND TP. Phan Rang – Tháp Chàm triển khai về thủ tục đất đai, chuẩn bị các điều kiện để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Huyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cyoung Việt Nam (chủ đầu tư dự án) cần tập trung nguồn lực và điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc đúng kế hoạch và tiến độ đề ra.

Cyoung Việt Nam là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc hơn 91 ha

Cyoung Việt Nam là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc hơn 91 ha

Được biết, vào ngày 17/12/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án. Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cyoung Việt Nam (gọi tắt Công ty Cyoung Việt Nam) được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Tây Bắc.

Dự án này được tỉnh Ninh Thuận phê duyệt vào ngày 16/2/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo mời quan tâm dự án vào ngày 16/7/2024. Tại thời điểm công bố ngày 20/8, Công ty Cyoung Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện.

Dự án được tại phường Phước Mỹ và xã Thành Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm có diện tích 91,37 ha. Dự án có phía Nam giáp Quốc lộ 27, phía Đông giáp Quốc lộ 1A (cách sân bay Thành Sơn 7 km, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo khoảng 10 km và ga đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến 2 km).

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 7.750 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là hơn 1.600 tỷ đồng, vốn huy động là hơn 6.149 tỷ đồng. Quy mô dân số dự kiến 8.000 người.

Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động trong vòng 7 năm (từ năm 2025 đến 2031), được chia làm 2 giai đoạn và 4 dự án thành phần.

Dự án sẽ hành thành một khu đô thị cửa ngõ, kết nối với TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) về phía Bắc theo trục đường Quốc lộ 1A, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây Bắc TP. Phan Rang – Tháp Chàm; đồng thời kết nối với cao nguyên Lâm Viên, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) theo trục Quốc lộ 27.

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu nhà đầu tư ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành trước các công trình hạ tầng kỹ thuật để bố trí các lô đất tái định cư cho các hộ dân thuộc diện tái định cư theo quy định trước khi đầu tư xây dựng tại các khu vực khác, nhằm sớm ổn định nơi ở, cuộc sống của các hộ dân.

Được biết, Công ty Cyoung Việt Nam có trụ sở tại phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội được thành lập vào tháng 1/2019. Ngành nghề hoạt động chính là hoạt động tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán).

Hiện, ông Nguyễn Xuân Hải là cổ đông lớn nhất và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cyoung Việt Nam.

 

Nguyễn Toàn
baodautu.vn