Giao dịch giảm, giá nhà đất tại TP.HCM vẫn neo mức cao

Bất chấp giao dịch trong 2 tháng đầu năm có xu hướng giảm mạnh, giá nhà đất tại TP.HCM vẫn đang neo ở mức khá cao, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ và chung cư.

Số liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cho thấy, giao dịch nhà đất trong thời điểm đầu năm 2020 đang có xu hướng giảm khá rõ. Cụ thể, tổng lượng tin đăng rao bán bất động sản tính riêng trong tháng 1/2020 giảm 21%, nhu cầu tìm kiếm cũng giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu so sánh với thời điểm trước Tết, nhu cầu tìm mua nhà đất giảm thêm 9,3%. Riêng khu vực phía Nam, mức độ quan tâm đến bất động sản của người mua giảm gần 30%, đặc biệt là ở loại hình đất nền và biệt thự, mức giảm ghi nhận từ 20-40% so với cùng kỳ. TP.HCM cũng chứng kiến nhu cầu tìm kiếm bất động sản giảm mạnh đến 16,6% so với thời điểm này năm 2019.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, thị trường bất động sản cả nước chỉ đạt khoảng 83.136 giao dịch (giảm 26,1% so với năm 2018), trong đó giảm mạnh nhất là bất động sản nghỉ dưỡng khi chỉ có 6.280 giao dịch (giảm khoảng 20% với năm 2018) nhưng giá bán căn hộ vẫn tăng. Tại TP.HCM, số liệu báo cáo của riêng HoREA cho thấy, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM tăng khoảng 15 – 20% so với cùng kỳ. Cá biệt có dự án tại khu Đông mức giá bán căn hộ tăng đến gần 40%. Báo cáo của Batdongsan.com.vn còn cho thấy, chỉ mới qua 1 tháng sau Tết, giá bán trung bình căn hộ tại TP.HCM đã tăng thêm hơn 1,6%.

Khảo sát thực tế cũng chỉ ra, hàng loạt dự án đang chào bán trên thị trường đều ghi nhận xu hướng tăng giá. Một dự án chung cư cao cấp trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, dù chưa chính thức triển khai nhưng đã có giá bán lên gần 120 triệu/m2, cách đây 1 năm, hầu hết các dự án trên tuyến đường này bán giá cao nhất chỉ khoảng 65 – 70 triệu/m2. Một dự án khác trên tuyến đường Lý Thường Kiệt, quận 10 cũng rao bán giá nhiều căn lên đến 80 triệu/m2 dù cách đây 2 năm vẫn chỉ có giá cao nhất vào khoảng 50 triệu/m2.

Với thị trường khu Nam, nơi tập trung nhiều dự án có tiến độ xây dựng tốt, pháp lý đầy đủ đều có mức tăng giá từ 15 – 30%, thậm chí có những dự án đã tăng tới 40%. Cụ thể, dự án Q7 Saigon Riverside Complex mở bán giá 1,6 tỷ đồng/căn nay có giá từ 1,8 – 1,9 tỷ đồng. Tương tự, một dự án khác nằm trên đường Nguyễn Thị Thập chào bán thứ cấp mức giá 38 – 40 triệu/m2 dù lúc mở bán chỉ khoảng 30 – 37 triệu/m2.

Giá đất thành phố Hồ Chí Minh cao kỷ lục

Giá nhà đất tại TP.HCM hiện đang ở mức cao kỷ lục. Ảnh minh họa

Ngay cả với khu Đông, khu vực có nguồn cung căn hộ thứ cấp khá dồi dào cuối năm 2019 nhưng hầu hết các dự án đang trong quá trình hoàn thiện hoặc đã bàn giao đều tăng giá. Những dự án từng mở bán với giá từ 1,6 – 1,8 tỷ/căn đã tăng lên 1,9 – 2,1 tỷ đồng.

Phân khúc nhà liền thổ cũng tăng giá mạnh không kém. Tại khu vực quận 2, giá bán các sản phẩm đất nền diện tích 60m2 đã tăng khoảng 450 triệu/nền so với đầu năm 2019. Trong khi đó, ở khu vực Long Trường, Long Phước, Tăng Nhơn Phú (quận 9), các nền đất diện tích khoảng 50m2 hiện chào giá từ 2,1 – 2,3 tỷ đồng/nền, tăng gần 300 – 500 triệu/nền so với đầu năm 2019.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, năm 2020 thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức. Hiện nay hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản vẫn chưa đồng bộ, việc nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về cấp phép dự án mới, chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản giảm. Việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh, không để thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, nếu không có giải pháp khơi thông nguồn cung, phát triển các dự án nhà ở mới, nguy cơ giá nhà, đất sẽ còn tăng cao, nhất là với các phân khúc đáp ứng nhu cầu nhà ở thật.

Ở một góc độ khác, trong khi nỗi lo khan hiếm nguồn cung do chính quyền siết việc cấp phép dự án vẫn đang đè nặng, thì thị trường lại tiếp tục nỗi lo mới về việc bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 với khung giá tăng rất mạnh được áp dụng sẽ khiến cho mặt bằng giá của thị trường tăng nhanh. Khung giá đất mới được chính phủ ban hành, cũng đẩy giá đất càng tăng lên cao khiến giá bán nhà cũng vì thế bị đẩy lên, đồng thời doanh nghiệp càng khó tiếp cận đất đai và khó giải phóng mặt bằng. “Dự báo trong vài năm tới, khi giá nhà đất đã vượt lên quá xa so với thực tế, nguy cơ đóng băng có thể sẽ hiện ra trước mắt“, ông Phúc cảnh báo.

 

Phương Uyên

( Theo Thanhnienviet)