Bán tài sản là một trong những cách mà nhiều đại gia bất động sản lựa chọn để có dòng tiền trong tình cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Hoạt động M&A được dự báo sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn này.
Nở Rộ Hoạt Động M&A
Mới đây nhất, truyền thông xôn xao trước thông tin đại gia Nguyễn Hữu Đường, còn được gọi là Đường bia, chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình rao bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake. Khách sạn cao 25 tầng này vốn sở hữu vị trí đắc địa khi toạ lạc tại khu đất vàng B7 phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) và được chào bán với giá khởi điểm 250 triệu USD. Nói về lý do bán khách sạn dát vàng, là niềm tự hào của mình, đại gia Đường bia chia sẻ để do công ty hết tiền nên buộc phải bán khách sạn để giải quyết vấn đề lương và các chi phí trả lãi cho ngân hàng.
Khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake đang được rao bán
Hoạt động rao bán các dự án lớn vẫn đang diễn ra sôi nổi, đặc biệt tại thị trường phía Nam. Tại TP.HCM, một dự án thương mại dịch vụ, văn phòng có vị trí mặt tiền đường Kinh Dương Vương và Lê Tuấn Mậu thuộc phường 13 (quận 6, TP.HCM) với diện tích 4.372,5m2 đang được rao bán với giá 306 tỷ đồng. Một quỹ đất thuộc đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) với quy mô hơn 5.000m2 cũng đang được rao bán với giá 570 tỷ đồng. Tại Long An, một dự án 2ha kho xưởng, nhà máy sản xuất có vị trí mặt đường DT823, thuộc cụm Công nghiệp Hòa Khánh Tây, Đức Hòa, Long An đang có giá chuyển nhựơng là 75 tỷ đồng.
Tại thành phố du lịch Đà Nẵng, một loạt khách sạn cũng đang được rao bán. Đơn cử, một khách sạn 4 sao tại Sơn Trà, Đà Nẵng có chiều cao 12 tầng với quy mô 90 phòng đang được rao bán với giá 300 tỷ đồng. Cũng tại khu vực Sơn Trà, một khách sạn 4 sao cao 17 tầng có mặt tiền nằm trên đường Dương Đình Nghệ với quy mô 75 phòng đang được rao bán ngoài 120 tỷ đồng. Tại quận Ngũ Hành Sơn, một khách sạn gần trục đường chính Minh Mạng có chiều cao 8 tầng với 48 phòng đang được rao bán khoảng 60 tỷ đồng…
Bên cạnh hoạt động rao bán, chuyển nhương các dự án bất động sản diễn ra sôi động, sau kì Tết Nguyên đán, Các ngân hàng như Agribank, VietinBank, BIDV, NCB, Sacombank… liên tục đang đẩy mạnh đấu giá và thanh lý tài sản để thu hồi nợ, trong đó, tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản.
M&A – Xu Thế Của Thị Trường Hiện Tại
Kể từ năm 2022, hàng loạt các diễn biến như kiểm soát tín dụng bất động sản, áp lực đáo hạn trái phiếu đã khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng vốn. Không được “bơm vốn”, thị trường bất động sản lao dốc. Hoạt động rao bán, chuyển nhượng bất động sản được coi là một “cứu cánh” về dòng tiền cho các doanh nghiệp. Để có dòng tiền tái đầu tư, các đơn vị bất động sản phải chọn giải pháp cơ cấu lại danh mục đầu tư và chuyển nhượng các dự án. Chính bởi vậy, thị trường M&A bất động sản từng bước trỗi dậy mạnh mẽ.
Thị trường M&A bất động sản hứa hẹn sôi động thời gian tới
Nhìn nhận về xu hướng M&A thời gian qua, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, nền kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, nằm trong guồng quay này, thị trường bất động sản vẫn đang chịu nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền. Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực cần nguồn vốn rất lớn, trong khi các quy định về tín dụng cho ngành BĐS chưa có thay đổi thì việc kêu gọi vốn qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư hướng đến. Thị trường M&A bất động sản hứa hẹn sôi động.
Sự sôi động của thị trường M&A được đánh giá là sẽ mang đến những điều tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam như giúp các dự án đang gặp khó về nguồn vốn được “hồi sinh”, giúp gia tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường hồi phục và từng bước ổn định trở lại. Nhận định về phân khúc bất động sản nào đang hút dòng tiền M&A, ông Khương cho biết những dự án có dòng tiền nhanh như trung tâm thương mại, văn phòng, khu công nghiệp, căn hộ dịch vụ nằm trong tầm ngắm của hoạt động M&A. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore luôn tìm kiếm các dự án sạch, pháp ý rõ ràng để M&A vẫn đánh giá Việt nam là điểm đầu tư hấp dẫn.
Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, thị trường mua bán sáp nhập bất động sản diễn ra sôi động ở nhiều phân khúc, loại hình bất động sản nhưng tập trung chính vào nhà ở, khu công nghiệp và văn phòng. Về hoạt động M&A thời gian tới, bà Trang nhận định nhà đầu tư thuộc khối ngoại và các quỹ quốc tế vẫn đang tìm kiếm những dự án bất động sản tốt để thực hiện hoạt động M&A. Họ liên doanh với các đơn vị có uy tín tại Việt Nam để hợp tác hoặc rót vốn. Đáng chú ý, sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân cũng đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A.
(Theo Nguyễn nam – Thanhnienviet)
Link bài viết gốc: https://thanhnienviet.vn/2023/03/18/nhieu-dai-gia-bds-tim-huong-di-moi/