Tiếp tục chương trình công tác tại Ninh Thuận hôm 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná và tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo Quán Thẻ, huyện Thuận Nam.
Thủ tướng trao đổi với đại diện Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Trung Nam. Nguồn: Báo Chính phủ.
Theo quy hoạch, tổ hợp Cà Ná gồm cảng IDC, logistics Cà Ná rộng 125 ha, công suất tối đa 800.000 container mỗi năm, tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng; cảng tổng hợp Cà Ná có tổng mức đầu tư 5.600 tỷ đồng, khu công nghiệp Cà Ná rộng hơn 800 ha với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, nhà máy điện khí LNG với tổng công suất 6.000 MW (1.500 MWx4 tổ máy) với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng.
Thủ tướng nghe báo cáo quy hoạch xây dựng khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Nguồn: Báo Chính phủ.
Trong đó, Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 do Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích quy hoạch 85,52 ha bao gồm 2 bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT sắp đi vào hoạt động vào đầu quý II/2022.
Cảng Cà Ná dự kiến đóng góp ngân sách hàng năm cho địa phương từ 33,8 – 83,4 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương giúp phát triển kinh tế và ổn định đời sống cho nhân dân.
Quy mô của cảng biển tổng hợp Cà Ná gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh. Đây là bến cảng nước sâu có địa thế thuận lợi, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP HCM.
Giai đoạn 1 khởi công ngày 25/8/2020 phân kỳ 3 tiểu giai đoạn. Trong đó, hạng mục bến cảng 1A đã hoàn thành xây dựng và đang được triển khai các thủ tục pháp lý công bố cảng, đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bến cảng để đưa vào khai thác từ đầu quý II/2022. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2023, sớm một năm so với kế hoạch ban đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện Tập đoàn Trung Nam tại cảng Cà Ná. Nguồn: Báo Chính phủ.
Hiện nay, Trung Nam Group đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng khu phụ trợ giai đoạn 1 để đưa vào sử dụng trong quý III/2022 và đầu tư xây dựng bến cảng 1B với thiết kế tiếp nhận tàu có trọng tải trên 100.000 tấn, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023.
Là cảng biển nước sâu tiếp nhận tàu trọng tải lớn, được thiết kế đạt công suất lượng hàng hóa qua cảng khoảng 3,7 triệu tấn/năm, sau khi đi vào hoạt động, giai đoạn 1, Cảng biển tổng hợp Cà Ná sẽ mở ra cơ hội giao thương, trung chuyển hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ với toàn bộ khu vực ASEAN.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần – công nghiệp – khoáng sản – năng lượng, góp phần tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế để tỉnh bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.
Trong quá trình triển khai thi công giai đoạn 1A, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná đã được xem xét bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia. Theo đó, quy hoạch phân khu bến cảng LNG phục vụ trung tâm điện khí LNG Cà Ná cùng hệ thống đường giao thông, đường ống kết nối, cửa lấy nước làm mát đã được bổ sung vào quy hoạch phân khu xây dựng. Sự kiện này góp phần đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná có tổng công suất 6.000 MW, được xây dựng tại xã Phước Diêm (Thuận Nam); trong đó, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng. Việc phát triển dự án điện sử dụng khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia và phát triển mạnh mẽ vùng động lực phía Nam của tỉnh.
Trao đổi tại đây, Thủ tướng và các nhà đầu tư nhắc lại việc từ 10 năm trước, ông đã chia sẻ với nhà đầu tư về tầm nhìn, yêu cầu phát triển khu vực này với động lực phát triển chính là dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trước hết. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các phương châm, yêu cầu này trong quá trình phát triển sắp tới.
Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã tới khảo sát tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo với công suất 500 MW của tập đoàn BIM tại huyện Thuận Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo của tập đoàn BIM tại huyện Thuận Nam. Nguồn: Báo Chính phủ.
Cánh đồng muối sạch Quán Thẻ có sản lượng 300.000 tấn/năm, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để sản phẩm muối sạch chất lượng cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Còn 3 công trình điện mặt trời và nhà máy điện gió có tổng công suất 500 MW, góp phần cung cấp năng lượng sạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương và cả nước.
Theo chủ đầu tư, các công trình này góp phần khai thác tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo bằng cách tối ưu nguồn tài nguyên đất tại Ninh Thuận, nơi có nhiều nắng và gió nhất Việt Nam. Vùng đất đang sản xuất muối công nghiệp chính là địa điểm thích hợp để triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn.
Qua khảo sát bước đầu và lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư, Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả của mô hình này, đồng thời đề nghị địa phương, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu phát huy hơn nữa các tiềm năng của địa phương, khai thác, sử dụng tốt nhất các nguồn lực trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cùng địa phương phát triển theo chiều sâu, bền vững, chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thủ tướng đề nghị chú trọng đào tạo nâng cao trình độ người lao động và gợi ý phát triển lĩnh vực hóa chất trên cơ sở các lĩnh vực đã đầu tư.
Thăm hỏi, động viên các diêm dân đang làm việc tại dự án, Thủ tướng bày tỏ phấn khởi khi được các diêm dân cho biết công việc đỡ vất vả hơn so với cách làm muối truyền thống do cơ giới hóa nhiều hơn, ứng dụng nhiều khoa học, công nghệ, nhưng thu nhập bảo đảm hơn. Ông cho rằng, việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư phải góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đây cũng là định hướng lớn nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Thu Thảo
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-khao-sat-khu-to-hop-ca-na-post5501.html